Dự án Khu liên hợp cán nằm tại tỉnh Ninh Thuận, do Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai xây dựng, có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Suốt thời gian gần đây, sau khi có thông tin về việc đầu tư xây dựng dự án đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

CafeLand – Bộ Công Thương vừa có dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Thép Hoa Sen Cà Ná vẫn vào quy hoạch dù còn nhiều nghi ngại

Dự án Hoa Sen Cà Ná vẫn vào quy hoạch ngành thép

Cụ thể, theo dự thảo, Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trong danh mục các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2035 và chia thành 5 giai đoạn.Trong đó, giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là năm 2031.

Công suất thiết kế 3 giai đoạn đầu là 3 triệu tấn gang, sắt xốp và phôi vuông một năm. Ở hai giai đoạn sau, công suất thiết là 3,5 triệu tấn gang, sắt xốp và 3,5 triệu tấn phôi vuông một năm.

Dự thảo quy hoạch ngành thép của Bộ Công thương cũng nêu rõ, ưu tiên phát triển sản xuất thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Cơ quan này cũng ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất khép kín, với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp. Hạn chế phát triển thép ở khu vực đồng bằng, nơi đông dân cư và quỹ đất danh cho an ninh lương thực.

Về chủng loại sản phẩm, dự thảo cũng cho biết ưu tiên sản xuất thép cán nóng, thép hợp kim, thép không gỉ do hiện nay còn thiếu hoặc chưa sản xuất được.

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, bản quy hoạch này đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn; cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná nằm tại tỉnh Ninh Thuận, do Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai xây dựng, có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Suốt thời gian gần đây, sau khi có thông tin về việc đầu tư xây dựng dự án đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Tại một hội thảo về ngành thép Việt Nam tổ chức vào tháng 11 mới đây, trước câu hỏi có ủng hộ dự án Hoa Sen Cà Ná hay không, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án này là cần thiết. Lý do là ngành thép Việt Nam hiện nay đang phát triển chưa đồng bộ, nhất là sản phẩm thép cán nóng quan trọng nhưng chưa sản xuất được.

Năm 2015, Việt Nam đã sản xuất được 15 triệu tấn thành phẩm, cùng với đó các ngành hàng là ống thép, tôn mạ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, đã có sản lượng xuất khẩu khá tốt. Tuy nhiên, trong số 15 triệu tấn thành phẩm sản xuất ra, chúng ta phải nhập khẩu tới 9 triệu tấn thép cán nóng để phục vụ cho sản xuất, chủ yếu từ Trung Quốc. Do vậy, xây dựng nhà máy thép đáp ứng được nhu cầu trong nước, hạn chế nhập hàng Trung Quốc là nên làm, ông Sưa phân tích.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không nên đầu tư dự án vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Sự cố xả thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tỉnh miền Trung xảy ra trước đó chưa lâu khiến nhiều người e ngại.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 15/11 liên quan tới dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định “chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường”.

Trước đó, vào tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Thủ tướng chưa có ý kiến về việc đầu tư dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và môi trường…, lấy ý kiến các nhà khoa học về dự án để có quyết định chính thức về việc triển khai.