Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cho rằng, việc xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ của Cty CP Lộc Châu là phù hợp chủ trương của Nhà nước. Bộ Xây dựng ủng hộ, khuyến khích và nghiên cứu cơ chế phù hợp để Cty CP Lộc Châu triển khai thực hiện.
Đến thời điểm hiện nay, dự án đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) do Cty CP Lộc Châu làm chủ đầu tư đã nhận được sự đồng thuận cao của UBND tỉnh và các Bộ, ngành liên quan. Dự án đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy Alumin Tân Rai thải ra khoảng 1.049kg/tấn bùn đỏ khô.
“Nhất cử lưỡng tiện”
Để sản xuất 1 tấn alumin bằng công nghệ Bayer, Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thải ra khoảng 1.049kg/tấn bùn đỏ khô và kèm theo 1.206kg/tấn dung dịch. Với công suất 650.000 tấn alumin/năm, hàng năm, nhà máy sẽ thải ra khoảng 680.000 tấn bùn đỏ khô và 790.000 tấn dung dịch. Hiện, bùn đỏ ở nhà máy này thải ra được lưu giữ tại hồ và quản lý theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại.
Sau một thời gian, nhóm chuyên gia Khoa VLXD trường Đại học Bách khoa TP HCM đã nghiên cứu thành công công nghệ Geopolymer từ bùn đỏ và tro bay để sản xuất vật liệu không nung. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, tháng 8/2015, Cty CP Lộc Châu đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ bô xít ở Cty TNHH Nhôm Lâm Đồng và tro, xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Dự án đã mở ra giải pháp mới khả thi hơn về tái chế, sử dụng bùn đỏ, có thể sử dụng toàn bộ khối lượng bùn đỏ thải ra từ Nhà máy alumin Tân Rai và góp phần lớn giải quyết triệt để vấn đề môi trường. Theo đó, dự án sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm gạch không nung thân thiện với môi trường với giá cạnh tranh; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động trực tiếp của Nhà máy và các lao động dịch vụ khác.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, khẳng định: “Do tính cấp thiết của vấn đề xử lý bùn đỏ, việc chấp thuận chủ trương để Dự án sớm triển khai đầu tư là cần thiết”.
Nhiều ưu đãi được đề xuất cho đơn vị xử lý
Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ dự kiến đặt tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích khoảng 22,5ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.426,5 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có 30% và vốn vay các tổ chức tín dụng 70%. Quy mô công suất 1 tỷ viên gạch/năm. Dự kiến 10-30% sản lượng gạch tiêu thụ tại địa phương, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh và thành phố khác. Tiến độ thực hiện dự án 1 năm, tính từ thời điểm hoàn tất thủ tục đầu tư. Tuổi thọ dự án 50 năm.
Chủ đầu tư còn cho biết, nếu dự án được hỗ trợ phí xử lý môi trường (chủ nguồn chất thải trả tiền cho Cty dự kiến 8 USD/tấn bùn đỏ và 2 USD/tấn cho xỉ than và tro bay) thì hiệu quả kinh tế của dự án đảm bảo tính khả thi và có thể thực hiện được với thời gian hoàn vốn sau 5 năm 11 tháng.
Về hiệu quả xã hội, dự án sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề về xử lý chất thải rắn (bùn đỏ, tro, xỉ thải) từ các nhà máy alumin và nhiệt điện; là giải pháp xử lý triệt để vấn đề môi trường; giảm diện tích sử dụng đất và chi phí lưu giữ, quản lý bùn đỏ; tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo…
Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cho rằng, việc xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ của Cty CP Lộc Châu là phù hợp chủ trương của Nhà nước. Bộ Xây dựng ủng hộ, khuyến khích và nghiên cứu cơ chế phù hợp để Cty CP Lộc Châu triển khai thực hiện.
Hai Bộ cũng nhất trí việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho dự án như hỗ trợ, ưu đãi đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn; ủng hộ chủ trương có giải pháp hỗ trợ về chi phí tài chính, đất đai, nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để giúp hạ giá thành…
Cũng liên quan đến chủ trương xử lý tro xỉ, thạch cao làm VLXD, mới đây Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng” (Đề án).
Trong Đề án, Bộ Xây dựng đề xuất các doanh nghiệp (DN) phát thải đang hoạt động phải hoàn thành xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trước khi kết thúc năm 2018. Các dự án đang triển khai nếu chưa có đề án này thì buộc phải lập bổ sung, phê duyệt trước khi nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Các dự án chưa xây dựng thì cần phải có đề án được phê duyệt trong hồ sơ đầu tư.
Đặc biệt, Đề án đề xuất các dự án đầu tư xử lý các loại chất thải này được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước như đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn theo quy định hiện hành. Các DN tham gia xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao sẽ được ưu đãi về thuế, thuê nhà xưởng. DN sử dụng trên 50% lượng thạch cao FDG, thạch cao trong PG trong tổng số nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao xây dựng được ưu đãi giảm 30% thuế VAT hiện hành. Việc nhập thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như với ngành cơ khí trọng điểm…
Những đề xuất mới mẻ này trong Đề án nếu được phê duyệt sẽ đem đến cơ hội đầu tư mở rộng hơn, không chỉ đối với Cty CP Lộc Châu mà cả nhiều DN khác trong việc đầu tư nhà máy xử lý tro xỉ, thạch cao trong cả nước.
About The Author: Thutrang
More posts by thutrang